TRANG SINH HOẠT



Tiếng Hát Giữa Ngục Tù


Tác giả: Kiều Trọng Tấn
Thể loại: sinh hoạt  đấu tranh

      Âm nhạc là một nghệ thuật dùng âm thanh để diễn tả tình cảm con người: Yêu thương, oán hận, buồn vui, đau khổ. Người nhạc sĩ sáng tác được bản nhạc hay, lưu danh muôn thuở, khi người nhạc sĩ đã nói lên được niềm cảm xúc của mình về chủ đề sáng tác...
      Việt Khang, là một trong những người nhạc sĩ đã sáng tác hai nhạc phẩm để đời: Việt Nam Tôi Đâu và Anh Là Ai . Cả hai nhạc phẩm đều phác họa một bức tranh chân thực của hiện tình đất nước Việt Nam trong  hoàn cảnh Việt Nam đang bị Tàu Cộng chiếm đất lấn biển do sự hèn nhát và bán nước của bọn lãnh đạo Hà Nội. Nghe qua lời nhạc của hai nhạc phẩm, tôi xin phân tích về tính hiện thực cũng như giá trị của nhạc phẩm trong hiện tình đất nước Việt Nam. Trước khi đi vào sự phân tích, tôi xin giới thiệu đôi dòng về người nhạc sĩ tài danh và có lòng ái quốc nầy:

** Sơ lược về thân thế Việt Khang:
      Nhạc sĩ Việt Khang tên thật là Võ Minh Trí, Sinh ngày 19 tháng 01, 1978.  Lập gia đình với người vợ tên Cao Thị Lan, và sinh được đứa con trai là: Võ Khang, 4 tuổi. Được gia đình tác giả cho biết danh hiệu Việt Khang là do ghép lại của hai từ: Việt Nam và Vỏ Khang...
      Nhạc sĩ Việt Khang cư ngụ  tại địa chỉ: 8/10 F đường Nguyễn Văn Nguyễn Khu Phố 7, Phường 8 Thành Phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, Việt Nam.
     Trước hiện tình đất nước bị Tàu Cộng lấn chiếm mà đảng CSVN  hèn nhát không phản kháng, không cho dân chúng biểu tình để tạo công luận với quốc tế về chủ quyền những phần đất bị chiếm là của Việt Nam, và còn ra lịnh cho Cộng An đàn áp biểu tình một cách dã man... Từ đó, người nhạc sĩ trẻ có lòng yêu nước Việt Khang cảm xúc trước những  hoàn cảnh của người biểu tình bị đàn áp, nhạc sĩ Việt Khang mới sáng tác hai nhạc phẩm để đời: Việt Nam Tôi Đâu và Anh Là Ai.
      Khi hai nhạc phẩm phát tán trên các diễn đàn internet và được dân chúng ngưởng mộ, thì Việt Khang  bị Cộng sản Việt Nam bắt lần đầu: 16/09/2011, sau đó CSVN dùng kế sách nhổ cỏ tận gốc nên  thả nhạc sĩ Việt Khang ra để xem Việt Khang có liên lạc với ai để tiếp tục bắt người liên hệ.
      Sau thời gian theo dỏi, công an tỉnh Tiền Giang không tìm thêm được  manh mối vì sự bảo mật tuyệt đối tổ chức của người nhạc sĩ Việt Khang, nên ra lệnh bắt Việt Khang lần thứ hai: 23/12/2011 và hiện nay đang bị biệt giam tại số 4 Phan Đăng Lưu thành phố Sài Gòn.
       Thuở nhỏ sinh ra trong một gia đình nghèo, học phổ thông Trung Học ở thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, yêu thích âm nhạc và sinh sống bằng nghề hoà nhạc và chơi trống trong các ban nhạc ở thành phố Mỹ Tho.
     Nhạc sĩ Việt Khang có một cơ sở làm ăn nhỏ với một số nhạc cụ để hòa nhạc và thu âm kiếm sống, cuộc sống không khá giả vì Việt Khang chỉ sáng tác theo sự xúc cảm của tâm hồn chứ không phải sáng tác theo đơn đặt hàng của cơ quan Thông Tin Văn Hoá, ca tụng chế độ Cộng Sản của nhà nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
     Là nhạc sĩ vốn có lòng yêu nước, nên những bản nhạc mà Việt Khang đã sáng tác kiếm tiền mưu sinh, dưới danh hiệu là Minh Trí,  đã mang nặng tình cảm quê hương, dân tộc như nhạc phẩm Bạn Thân do ca sĩ Đan Trường hát, Bà Má Miền Tây do ca sĩ Lý Hải hát đã được thâu âm, và nhạc sĩ Việt Khang đã được thính giả ái mộ.
     Ngoài lảnh vực sáng tác, nhạc sĩ Việt Khang là một tay trống trứ danh nên đã theo ban nhạc đi trình diễn khắp nơi, từ miền Trung đến miền Nam nước Việt. Chính nhờ sự lưu hành trình diễn đó đây trên những nẻo đường quê hương nên anh đã nhìn ra những bất công dưới xã hội Cộng Sản. Đất nước mệnh danh là CHXHCNVN:Độc Lập -Tự Do -Hạnh Phúc, nhưng nơi đâu cũng đầy dẫy những hình ảnh bất công áp bức, kẻ cầm quyền thì ăn không hết và người dân nghèo thì làm ăn không ra để nuôi sống bản thân, giang sơn gấm vóc của tiền nhân để lại thì dần dà bị xâm chiếm bởi Tàu Cộng... Từ đây, lòng yêu nước trổi dậy trong Việt Khang và anh quyết định đi tìm những người cùng lý tưởng trao đổi tâm tình cho vơi đi những xót xa dằn vặt của một công dân yêu nước thương nòi, yêu chuộng công bằng xã hội, có lương tri với tiền đồ dân tộc.

** Nhạc phẩm Việt Nam Tôi Đâu:
      Chỉ trong một thời gian ngắn,   nhạc phẩm“Việt Nam Tôi Đâu” ra đời trên hệ thống Internet vào tháng 8/2011 đến bây giờ, số người nghe hơn nữa triệu, lời nhạc và tiếng hát của Việt Khang đã đi vào lòng người một cách nhanh chóng. Việt Khang đã viết từ tận đáy lòng sâu thẳm của mình với nỗi đau ray rức…nỗi đau này không phải vì đói rét, cũng không phải vì vết thương bị cắt trên da thịt…mà nỗi đau của một người mất nước nỗi đau trăn trở hằng sâu trong tâm hồn người thanh niên yêu nước.
    Sống qua gần nữa đời người, anh đã thấm nghiệm được sự dối trá lừa đảo của chế độ độc tài CSVN. Vào đầu nhạc phẩm,  tác giả “Việt Nam Tôi Đâu” đã mở đầu với lời nhạc ai oán:
-  Việt Nam ơi thời gian quá nữa đời người, và ta đã tỏ tường rồi, ôi cuộc đời ngày sau tàn lửa khói…..
      Vâng! Nữa cuộc đời, trải qua 36 năm từ ngày cả dân tộc Việt Nam rơi vào tay Cộng Sản đến nay, Việt Khang đã nhìn thấy xã hội muôn ngàn mãnh đời đổ vỡ, tàn lụy, bị áp bức, bóc lột, đói khát mà đáng lẽ ra bất cứ một quốc gia nào “sau tàn lửa khói” , hết chiến tranh, đều không thể lâm vào cảnh tượng đau đớn như Việt Nam.

      Rồi những ngày tháng đi trình diễn trên muôn dặm nẻo đường quê hương, Việt Khang đã nhìn tận mắt mình những mảnh đời người dân Việt Nam khổ đau do hệ quả của chủ nghĩa cộng sản:
- Mẹ Việt Nam đau từng cơn xót dạ nhìn đời, người lầm than đói khổ nghèo nàn, kẻ quyền uy giàu sang dối dang
     Dù đau khổ chung với người dân nghèo sớm hôm tần tảo mưu sinh, nhưng Việt Khang không mang trong lòng nổi hận thù hay oán trách chế độ, mà người nhạc sĩ chỉ dùng dòng nhạc của mình diễn tả tâm trạng đau nhói ở tâm can hoà với lời ca thống thiết nói lên sự cách biệt bất hạnh của hai giai cấp một bên là người dân đói khổ thật thà, bên kia là kẻ quyền uy giàu sang dối dang, mà kẻ quyền uy đó chính là thành phần ngụy danh chuyên chính vô sản, là tầng lớp tư bản đỏ của bạo quyền Cộng sản Việt nam hiện nay đang trấn lột đồng bào.
     Còn tổ quốc Việt Nam thì sao? Việt Khang tự hỏi rằng:
- Giờ đây Việt Nam còn hay đã mất?
     Than ôi! Nếu còn, tại sao nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam lại để cho:
-  Bọn giặc Tàu ngang tàn trên quê hương ta
     Trong khi đó, một guồng máy khổng lồ của công an, bộ đội chỉ để phục vụ cho đảng cầm quyền mà không bảo vệ được ngư dân Việt Nam đến nỗi :
- Hoàng Trường Sa đã bao người dân vô tội, chết ngậm ngùi vì tay súng giặc Tàu

** Anh Là Ai?
    Người nhạc sĩ nhìn cảnh đàn áp, bắt bớ, đánh đập  người biểu tình của những kẻ  mệnh danh Công An Nhân Dân, đã chạnh lòng sáng tác nhạc phẩm Anh Là Ai. Việt Khang hỏi những người CAND:
- Xin hỏi anh là ai? Sao bắt tôi,tôi làm điều gì sai? Xin hỏi anh là ai? Sao đánh tôi chẳng một chút nương tay. Xin hỏi anh là ai? Không cho tôi xuống đường để tỏ bày tình yêu quê hương này Dân tộc này đã quá nhiều đắng cay...
      Nhưng nhìn lại những người mặc sắc phục công an nhân dân của nước CHXHCNVN, cũng mũi tẹt da vàng., mang dòng máu Việt Nam, rồi Việt Khang khẻ hỏi:
- Xin hỏi anh ở đâu? Ngăn bước tôi chống giặc Tàu ngoại xâm. Xin hỏi anh ở đâu?
Sao mắng tôi bằng giọng nói Dân tôi. Dân Tộc anh ở đâu sao đan tâm làm tay sai cho Tàu? Để ngàn sau ghi dấu bàn tay nào nhuộm đầy máu Đồng Bào.
 Thế rồi người nhạc sĩ yêu nước không thể làm ngơ trước viễn ảnh mất nước do những người lãnh đạo hèn nhát, bán nước... Việt Khang dùng dòng nhạc của mình đánh động lòng người dân:
- Tôi không thể ngồi yên khi nước Việt Nam đang ngả nghiêng. Dân Tộc tôi sắp phải đắm chìm một ngàn năm hay triền miên tăm tối.!Tôi không thể ngồi yên để đời sau cháu con tôi làm người,cội nguồn ở đâu khi Thế giới này đã không còn Việt Nam.!
Dù biết rằng trên hành trình đấu tranh giữ nước của Việt Khang phải trải qua cảnh tù đày gian khổ. Nhưng vì viễn ảnh tổ quốc VN đã không còn hiện hữu trước một bạo quyền chỉ biết hiếp đáp người dân, chỉ biết bóc lột giàu có dối gian, trong khi ngoại xâm đang thật sự hống hách trên quê mẹ Việt Nam... Nên  Việt Khang dùng tiếng hát sâu xoáy của mình như tiếng kêu của con quốc quốc trong đêm thâu kêu gọi lòng yêu nước của mọi người.  Một giọng hát từ đáy lòng sâu thẳm của tâm hồn, lời ca cao vút của anh như những nhát dao cắt lòng những ai đang trăn trở trước nguy cơ của dân tộc, anh đã buông tiếng hát nói lên phần hồn của bản nhạc mà đó cũng là ước nguyện của đồng bào...

**  Lời kết:
     Dù đang ở trong lao tù, nhưng dòng nhạc của Việt Khang bay xa muôn ngàn vạn dặm, từ trong nước cho đến hải ngoại. Một Việt Khang bị bắt và bị tù đày, sẽ có nhiều Việt Khang nữa tiếp nối cho đời bằng những dòng nhạc và lời ca yêu nước. .Và tất cả sẽ cho người dân thức tỉnh để cùng nhau đứng lên bảo vệ tổ quốc Việt Nam đã và đang bị bọn lãnh đạo Hà Nội bán nước cầu vinh. Chừng ấy, tiếng hát giữa ngục tù sẽ không còn đơn lẻ của riêng người nhạc sĩ tài danh Việt Khang nữa...Mà sẽ là hằng triệu người nhạc sĩ có lòng yêu nước như Việt Khang..

Úc Châu 05/02/2012

Kiều Trọng Tấn..